Tin tức
Tin tức
Du lịch không gian – những điều gì đang chờ nhân loại
17/09/2021

Nếu bạn có vài triệu đô nhàn rỗi, ý tưởng này rất nên cân nhắc! Bầu trời như cái vung trói chặt tất cả chúng ta. Dù có thành công và nổi tiếng cỡ nào, dưới bầu trời này ngước nhìn lên, mỗi cá thể đều trở nên quá bé nhỏ. Bầu trời là một lãnh địa huyền bí và chưa được chinh phục hết. Nhiều thứ trong cuộc sống khi chưa thể định nghĩa đều được cho rằng có một đấng tối cao nào đó, ở trên bầu trời kia định đoạt. Trong nhiều nền văn hoá, số phận con người được cho là đã được sắp đặt bởi các vì sao ngay từ khi ra đời. Và khi chết đi, chúng ta cũng đi lên thiên đàng, một nơi ở phía trên cao nơi bầu trời rộng lớn đó, được cho rằng là một nơi rất tươi đẹp và thanh bình.

Sơ sơ ngành du lịch không gian hiện nay

Có lẽ bay ra ngoài không gian vốn vẫn luôn được cho là việc của các nhà du hành vũ trụ chứ không phải việc của số đông nhân loại đang sinh sống trên trái đất này. Nhưng gần đây cụm từ du lịch không gian đang được khai phá một cách mạnh mẽ hơn, đem giấc mơ chạm tới bầu trời đến gần hơn bao giờ hết, với mục đích chính là thưởng lãm và trải nghiệm. Hiện tại du lịch không gian có mấy chặng khác nhau bao gồm Orbital – Khí quyển, Suborbital – Rìa khí quyển và Mặt Trăng. Độ xa và độ dài của chuyến đi, cộng với lịch trình và số lượng trải nghiệm sẽ quyết định giá tiền cuối cùng.

Từ giai đoạn năm 2001 đến năm 2009, đã có 7 khách du lịch không gian thực hiện 8 chuyến du hành vào không gian, dừng ở các trạm quốc tế của người Nga với chi phí trung bình khoảng 20 -25 triệu đô một chuyến. Để tăng hiệu quả kinh tế, một số công ty du lịch không gian còn kết hợp nhận một số nhiệm vụ nghiên cứu ngoài không gian trong các chuyến đi. Các chuyến du hành của trạm quốc tế Nga đã tạm gián đoạn từ năm 2010 vì mức độ tăng của phi hành đoàn. Trong khi đó Nasa mới tuyên bố rằng từ năm 2020, họ sẽ khuyến khích các phi hành gia độc lập lên Trạm quốc tế nhiều hơn, sử dụng tàu của các đơn vị tư nhân cho các nhà phi hành gia khai thác chung để giảm chi phí và thương mại hoá lĩnh vực này.

Hiện nay có các thương hiệu nào để lựa chọn?

Virgin Galactic VSS Unity là thương hiệu gần đây nhất hoạt động rất mạnh mẽ với một số chuyến bay thử nghiệm vào rìa khí quyển vào nửa đầu năm 2021, đây là các nỗ lực để chuẩn bị cho các chuyến bay thương mại sắp tới. Nhà sáng lập công ty Richard Branson và ba lãnh đạo quan trọng của công ty, cùng với hai phi công đã bay tới biên giới của khí quyển vào ngày 11 tháng 7 vừa rồi. Thành công của chuyến bay càng cho thấy khả năng mở các chuyến thương mại vào đầu năm 2022 là rất khả thi. Hiện tại hãng cho biết đã có khoảng 600 đơn đặt hàng và mỗi vé đang bán ở mức 200,000 cho đến 250,000 đô la. Một chuyến bay trên tàu VSS Unity sẽ gồm 6 hành khách và hai phi công, xuất phát từ Spaceport America ở Truths or Consequences, bang New Mexico. Hành khách có thể trải nghiệm tầm nhìn cả đời có một và dành vài phút tận hưởng rìa khí quyển qua 17 ô cửa sổ để ngắm nhìn cũng như hệ thống camera trên tàu để ghi lại toàn bộ kỉ niệm.

Blue Origin thực hiện chuyến bay lên rìa khí quyển vào 20/7/2021, sau Virgin Galactic 9 ngày nhưng lại bay xa hơn so với Blue Origin ra khí quyển. Đây cũng là chuyến bay thứ 16 của hãng này trên tàu New Shepard với các hành khách. Hành trình được phát trực tuyến hoàn toàn tại trang BlueOrigin.com. Nơi xuất phát của New Shepard là tại Van Horn, 120 dặm từ El Paso, Texas.

Hành khách của chuyến bay này gồm có nhà sáng lập hãng đồng thời là tỉ phú nổi tiếng Jeff Bezos của Amazon và ba hành khách khác, gồm Mark Bezos – em trai của ông và Wally Funk, một cựu nữ phi hành gia đã qua đào tạo thập niên 60s năm nay đã 82 tuổi. Vị khách cuối cùng được dấu danh tính, nhưng cũng đã đóng góp 28 triệu đô trong một cuộc đấu giá từ thiện, là thành viên của câu lạc bộ các nhà hỗ trợ giáo dục STEM. Blue Origin cũng hướng tới đầu năm 2022 để bắt đầu các chuyến du lịch không gian. Hai công ty Virgin Galactic và Blue Origin có thể nói là đang so kè rất mãnh liệt trong lĩnh vực đầy hứa hẹn này.

SpaceX là thương hiệu thứ 3 của Mĩ trong lĩnh vực du hành không gian. Hiện chưa có thông tin là Elon Musk có bay hay không, nhưng hành trình của SpaceX đang được cho là hấp dẫn nhất vì sẽ kéo dài vài ngày. Hành khách sẽ nghỉ ngơi trên tàu và di chuyển một vòng quanh Trái Đất. Ngoài ra còn có khả năng được thăm Trạm Không Gian Quốc Tế, đã được thử nghiệm với chuyến bay tháng 5/2020 với hai phi hành gia và chuyến Crew-1 Mission tháng 11 năm 2020 vừa rồi. Dự kiến là giá vé của SpaceX sẽ từ 1 triệu đô la trở lên. Trong thời gian tới SpaceX hi vọng sẽ có gói du lịch Mặt Trăng và Sao Hoả. Dự kiến tour đi Mặt Trăng sẽ diễn ra vào năm 2024. Mọi thứ quả là còn rất mới mẻ. Giống như thời tổ tiên chúng ta còn chu du trên biển để tìm ra các Châu lục.

Mức giá của một chuyến du hành không gian khoảng bao nhiêu?

Trung bình một chuyến đi của hãng Virgin Galactics trên tàu Spaceship Two và hãng Blue Origin tàu New Shepard sẽ có giá từ 250,000 cho đến 500,000 đô để đi vào rìa quỹ đạo khoảng 15 phút, gần chạm vào rìa quỹ đạo và quay lại mặt đất. Tỉ phú Jeff Bezos cho biết Blue Origin đã thu được khoảng 100 triệu tiền vé cho các hành khách mua trước để sớm được đi du lịch không gian.

Còn hãng SpaceX với tàu Inspiration4 thì sẽ vào hẳn quỹ đạo và du hành vòng quanh Trái Đất trong 3 ngày ở một tầng khí quyển cao hơn Trạm Không Gian Quốc Tế, tương tự như hành trình của một nhà du hành vũ trụ thông thường. Giới chuyên môn cho rằng chuyến đi có thể lên tới khoảng 58 triệu đô mỗi ghế cho hành trình khứ hồi vào quỹ đạo và trở về. Cũng giống với khi mà ngành hàng không dân dụng mới ra đời, mọi thứ rất đắt đỏ, hầu hết chỉ có lượng nhỏ giới thượng lưu có thể trải nghiệm. Rồi khi mà các nhà kinh doanh bắt đầu để mắt đến lĩnh vực này, cạnh tranh sẽ giúp giá cả giảm xuống và ngày nay bay một chuyến bay không còn là điều quá xa xỉ trên thế giới nữa. Điều đó có lẽ sẽ tương tự với ngành du lịch không gian.

Đối với hành trình vào Mặt Trăng của SpaceX thì hiện nay đã có vị khách đầu tien là tỉ phú người Nhật Yusaku Maezawa, anh nổi tiếng với bộ sưu tập nghệ thuật danh giá. Tuy mức chi phí cho chuyến đi không được tiết lộ hoàn toàn, tỉ phú Maezawa đã đặt cọc nghiêm túc cho chuyến du lịch này. Tỉ phú Musk đã từng có lần tiết lộ rằng chuyến đi sẽ tương đương tour trải nghiệm Trạm Không Gian Quốc Tế, tức khoảng 55 triệu đô một ghế. Và đã rất nhiều năm con người không quay lại thăm Mặt Trăng rồi!

Tỉ phú người Nhật Yusaku Maezawa là chủ nhân của độc bản Rolls-Royce Phantom Oribe. Ông cũng được biết đến là một nhà sưu tập tranh và đồng hồ Richard Mille danh tiếng.

Công ty có tên là Space Adventures đã quảng bá hành trình khứ hồi lên Mặt Trăng với mức giá 150 triệu đô. Suốt chuyến đi hành khách có thể ngắm Mặt Trăng phản sáng từ các hướng, trải nghiệm ngắm Trái Đất mọc, và tận hưởng tiện nghi tàu của Nga. Giá cũng đã bao gồm 10 ngày đóng tại Trạm Vũ Trụ Quốc Tế để thực sự trải nghiệm môi trường đầy mới mẻ này. Giá đương nhiên đã gồm cả lộ trình đào tạo và có cả một hướng dẫn viên phi hành gia. Một ngày sống trên Trạm Vũ Trụ Quốc Tế tốn khoảng 6.8 triệu đô, theo NASA. Và cũng theo bảng giá năm 2021 của NASA, chi phí ăn uống cho mỗi thành viên cỡ khoảng 2,000 đô mỗi ngày trên Trạm, các chi phí như giặt giũ, đồ vệ sinh, đồ văn phòng và túi ngủ cũng khoảng 1,500 đô mỗi ngày.

Một hành trình vào không gian sẽ ra sao?

Tất nhiên là đi du lịch không gian không hề đơn giản như việc ra sân bay và check in. Các hành khách đi chuyến Inspiration4 sẽ phải đào tạo mất hàng tháng để hiểu hệ thống tàu không gian và chuẩn bị các điều kiện thể lực. Và điều kiện này là áp dụng cho toàn team, chứ không chỉ một hành khách.

Ví dụ như chuyến đi SpaceX Inspiration4 cùng tỉ phú Isaacman gồm có các hành khách khác là trợ lý thể lực Hayley Arceneaux, người đang làm việc ở bệnh viện St. Jude. Cô từng là một bệnh nhân ung thư xương và được chữa khỏi ở bệnh viện khi còn nhỏ. Chris Sembroski là một kĩ sư hàng không ở Seattle được lựa chọn trong 72,000 đã ủng hộ cho bệnh viện St. Jude. Vị khách cuối cùng là Sian Proctor, một nhà giáo dục đồng thời là một phi công từng vào tới vòng cuối của lớp phi hành gia năm 2009 của NASA –bà được lựa chọn qua chương trình trên mạng xã hội.

Trong hành trình ngoài không gian của tàu Inspiration4 biệt đội hành khách này sẽ cùng tham gia một số nghiên cứu sức khoẻ phục vụ khoa học, ví dụ như nghiên cứu về máu trong cơ thể và giấc ngủ. Đây là những nghiên cứu rất quan trọng để giúp việc đưa hàng triệu người lên không gian thành thực tiễn trong tương lai.

Còn phần lớn thời gian của các hành khách là nhìn ngắm và tận hưởng không gian qua cửa sổ tàu, ngắm Trái Đất và bầu khí quyển bao quanh hành tinh quê hương của chúng ta. Theo các nhà phi hành gia mô tả đó là một khung cảnh tuyệt vời, khi bạn có thể ngắm hành tinh này không một giới hạn nào. Khoảnh khắc đó sẽ khơi dậy trong mỗi người sự kết nối vì một giống loài chung: Nhân loại, mãnh liệt hơn rất nhiều so với khi bạn ở trên Trái Đất. Đối với những hành trình dài hơn thì các hành khách sẽ phải sinh hoạt trong điều kiện lơ lửng không trọng lượng, và trải nghiệm hết các sinh hoạt bao gồm cả đi toilet như một phi hành gia. Họ sẽ không được tắm và sẽ ngủ tại ghế trong suốt hành trình.

Đi phượt không gian có nguy hiểm lắm không?

Đã là những người đi tiên phong thì rủi ro là không thể tránh khỏi. Các nhà khoa học dành rất nhiều năm nghiên cứu trước khi hậu thuẫn việc tư nhân hoá lĩnh vực này cũng là để tìm mọi phương pháp giảm thiểu rủi ro nhất có thể. Tuy nhiên không có một lăng kính nào là đủ hoàn hảo để dự đoán tất cả.

Tuy nhiên dự đoán của NASA về tỉ lệ thất bại khi phóng tàu thương mại ngày nay là 1 trong 270 trường hợp, tiến bộ rất nhiều so với giai đoạn thập niên 80s và đầu những năm 2000, khi mà mỗi 68 nhiệm vụ lại có 1 lần thất bại. Chuyến đi của tàu Inspiration4 sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với hai tour còn lại do tỉ phú Jeff Bezos và tỉ phú Richard Branson bán, bởi cần một tốc độ hơn 17,500 dặm/giờ để một vật có thể vào được vùng khí quyển Trái Đất. Trong khi đó Inspiration4 thực hiện chuyến đi khứ hồi, tức là phải bật lên và xuống. Cả quá trình phóng tên lửa với lực tương tự như nổ bom trong chiến tranh để chiến thắng được trọng lực trái đất rồi lại hạ cánh êm ái, thực sự là một hành trình cần những hành khách dũng cảm. Khi từ khí quyển trở về, bên ngoài của tàu có thể lên đến 3.500 độ F và thân thể các phi hành gia phải chịu một lực tương đương khoảng 4.5Gs ấn họ xuống ghế ngồi, khi lượng không khí dày đặc hơn bao quanh con tàu. Con tàu hạ cánh xuống như một vì sao băng lướt qua. Các thành viên tàu Crew Dragon bật dù và đáp xuống biển vị trí mà các tàu cứu hộ chờ sẵn để đưa họ vào đất liền. Tuy nghe có vẻ rùng rợn nhưng theo các nhà khoa học ở NASA thì đó vẫn là một hành trình rất an toàn.

Trong xã hội còn dấy lên những làn sóng cho rằng du lịch không gian là của những người giàu không biết tiêu tiền vào đâu nữa. Và khiến ô nhiễm môi trường cũng như lãng phí nguồn lực. Thực tế thì khá là khác biệt. Các chuyến đi giúp duy trì ngành khoa học này và có sứ mệnh khai phá những ranh giới mới cho giống loài. Vậy còn bạn thì sao? Nếu có cơ hội bạn có bay lên Mặt Trăng hay lượn một vòng Trái Đất hay không? Nếu một ngày nào đó chúng ta sẽ để hành tinh này lại phía sau, tại sao không phải không?

(Nguồn: Tổng hợp)

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer