Tin tức
Văn hóa
Nghệ thuật và nhân loại: Chúng ta học nhau từ thời xa xưa đến nay
09/06/2022

Ai cũng phải học

Con người chúng ta khi sinh ra đều có những năng lực nhất định để sáng tạo và thể hiện bản thân trong lĩnh vực nghệ thuật. Việc xác định giữa đâu là nghệ thuật và phi nghệ thuật, thật ra nằm ở trái tim ở mỗi người, dựa vào trải nghiệm cá nhân, những cảm xúc, quá khứ, những mối quan hệ,… Không một điều gì có thể trói buộc, tạo nên quy chuẩn nhất định của nghệ thuật. Nhưng liệu rằng, sự tự do sáng tạo của nghệ thuật có đi đôi với việc “ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ thực thụ” nếu chỉ dựa vào bản năng sáng tạo vốn dĩ là thứ sẵn có ở mỗi người?

Nhìn lại quá khứ, hầu hết những bậc thầy trong các lĩnh vực nghệ thuật đều trải qua những thời gian khổ luyện cùng những người hướng dẫn, người thầy của mình. Việc học hỏi, trở thành người người học việc cho một bậc thầy nghệ thuật bắt nguồn từ những năm đầu thế kỷ 13, và tiếp tục lan rộng, nở rộ trong suốt thời kỳ Phục Hưng. Ngay cả Michelangelo cũng bắt đầu con đường hội họa của mình khi trở thành người học việc cho danh họa Domenico Ghirlandaio, hay chính Andrea del Verrocchio là người đã nhận ra tài năng đặc biệt và đã nhận Leonardo da Vinci làm học trò của mình. Nhà sử học nghệ thuật, giám tuyển và học giả hàn lâm Arturo Galansino luôn nhấn mạnh về tầm quan trọng của những bậc thầy xa xưa trong việc tạo hình nhào nặn, dẫn lối cho hàng ngàn những thế hệ bậc thầy và nghệ sĩ sau này.

Thực tế, mặc dù đã trở thành những nghệ sĩ hàng đầu, họ vẫn tiếp tục tự học, và tìm kiếm những nguồn cảm hứng từ chính những tác phẩm của những bậc thầy, cho dù bản thân của họ đã thực sự tạo nên những trường phái, trào lưu nghệ thuật mới.

“Màu đẹp có thể mua được ngoài hiệu ở Rialto, nhưng dessin đẹp thì chỉ có thể mua được từ hoạ sỹ tài năng, tu luyện siêng năng, và từng nhiều đêm không ngủ.” – Giorgio Vasari

“Dessin là đức hạnh đầu tiên của một hoạ sỹ, đó là nền tảng, đó là tất cả.” – Jean Auguste Dominique Ingres

Những bậc thế hệ họa sĩ nổi danh ngày xưa của Việt Nam như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân,…khi là học sinh tại Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng đều được những người thầy nước Pháp như họa sĩ Alix Aymé truyền đạt về dessin, tiếp thu kiến thức về nghệ thuật sơn mài nhờ hoạ sĩ, giáo sư Joseph Inguimberty đã đề xuất phát triển nghệ thuật này trong trường.Ngay cả những nhà bác học, họ cũng phải trải qua thời gian học tập rất lâu, rồi từ đó, với khả năng tò mò và trí thông minh, luôn không ngừng tìm tòi, họ đã phát minh cũng như khám phá ra rất nhiều điều trong cuộc sống này, và nói như Charles Dawin: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”.

Hom Nguyen – nghệ sĩ tự học để khỏa lấp nỗi đau

Hom Nguyen, “người lưu giữ cảm xúc” với xuất phát điểm là một nghệ sĩ tự học, đã cất lên được tiếng nói riêng biệt và có trọng lượng cho phong cách độc đáo mới lạ mà anh theo đuổi. Mặc dù đôi khi ta vẫn thường thấy hình ảnh của những người nổi tiếng là nàng thơ của Hom Nguyen, nhưng tinh thần chung và đại đa số các tác phẩm đều có sự hiện diện của những gương mặt Á Đông, gương mặt của những người phụ nữ, trẻ em,… Những chủ đề, nhân vật trong mỗi tác phẩm của Hom đều xuất phát từ những trải nghiệm thuở ấu thơ, là nguồn cảm hứng từ những nỗi đau đã để lại vết thương lòng, là tình thương, sự đồng cảm, hay mục đích vẽ ra cũng chính là để thỏa mãn ý muốn sống lại cảm xúc được chìm đắm trong hơi thở tình yêu vô điều kiện của mẹ đối với Hom. Đến với nghệ thuật và trở thành một nghệ sĩ không đơn thuần mang ý nghĩa cột mốc đánh dấu sự trở về sống đúng với niềm yêu thích được nuôi dưỡng suốt bao năm tuổi thơ của Hom Nguyen, mà đó còn là phương thức anh bảo tồn những trải nghiệm đẹp đẽ lẫn nỗi buồn da diết của mình. Tất cả đều là sự thăng hoa của cảm xúc, sự sáng tạo đến từ những ý niệm rất đời, rất tự nhiên, rất chân thật, khô phô trương và chất chứa đầy tâm sự.

Bức tranh thuộc BST Woman Hom vẽ dành tặng riêng cho người yêu nghệ thuật tại Việt Nam, sử dụng đa chất liệu (acylic, chì màu, bút bi), là tập hợp những đường nét chằng chịt, những phẩy màu chồng chéo mang nhiều tầng cảm xúc ẩn giấu

Khi làm việc trên một tác phẩm nào, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm được điều gì đó tuyệt vời cả. Tôi chỉ đang trung thực nhất có thể, và để trái tim mình sẽ dẫn lối.

Hom Nguyen –

Điều khiến Hom Nguyen nổi bật trong giới vẽ chân dung chính là việc anh đến với nghệ thuật bằng con đường tự học mà không qua trường lớp bài bản nào. Hom chưa bao giờ vỗ ngực bảo mình là thiên tài nghệ thuật, ko có thầy vẫn vẽ và bán tranh được. Nhìn vào khía cạnh tích cực, chính việc tự học đã tạo cơ hội tự lực, tự suy nghĩ độc lập và cho phép anh tiến sâu vào nội tại của mình để khám phá những khả năng mà trước đây anh chưa bao giờ nghĩ mình có được. Sau khi mẹ mất và quyết định trở về với hội họa, Hom Nguyen đã mày mò tự học, tìm kiếm tài liệu nghiên cứu về phong cách hội họa, cách sử chất liệu của một bậc thầy hội họa mà anh yêu thích: Jackson Pollock. Trong khoa học cũng như trong nghệ thuật, để sáng tạo luôn luôn phải tiếp thu, tận dụng tính kế thừa. Khi Jackson Pollock tập trung vào trường phái trừu tượng, Hom Nguyen đã học tập Pollock nhưng phát triển thành kỹ thuật vẽ tranh chân dung. Sau khi đạt được sự công nhận đến từ giới nghệ thuật và công chúng quốc tế, Hom Nguyen không dừng lại trên còn đường sáng tạo mà vẫn tìm kiếm những cách biểu hiện mới trong tranh chân dung.

Hom tự nhận định về bản thân qua ba từ “hiếu kỳ, liều lĩnh và trung thành”. “Cho đến bây giờ, tôi vẫn vô cùng hiếu kỳ. Tôi luôn muốn khám phá nhiều góc cạnh của nghệ thuật, từ chất liệu sử dụng, loại sơn tôi dùng, màu sắc tôi lựa chọn, đôi khi là chì, là bút, là than. Tôi ráp chất liệu nền tranh này với loại màu vẽ kia. Sắc màu sẽ hòa tan thế nào? Sẽ rời rạc chứ? Nếu rời rạc biết đâu lại hay hơn hòa quyện với nhau? Tôi vẫn luôn đi tìm những lời giải đáp, khao khát tri thức nghệ thuật như vậy.” – Hom Nguyen

Silent Man thể hiện khả năng chinh phục nghệ thuật trắng đen của Hom Nguyen – thể loại tranh được xem là rất khó để diễn giải hết cảm xúc. Không còn là những đường nét hỗn độn, mà thay vào đó là cách chơi màu acrylic trắng, vẫn theo lối vẽ bản năng tự do nhưng có quỹ đạo riêng, bức tranh trừu tượng mang nhiều tầng nghĩa, là sự im lặng vượt lên trên lời nói, là sự im lặng chờ đợi một ngày tỏa sáng từ những tháng ngày đen tối? Ắt hẳn mỗi vị khách sẽ có diễn giải cho riêng mình khi đứng trước tác phẩm “Silent Man”.

Hiện nay, trong cái nhìn đổi mới của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống trong đạo lý làm người vẫn được trân trọng, tôn vinh “Tôn sư trọng đạo”, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Ai dạy ta dù chỉ một chữ, nửa chữ mà giúp ta nên người, nên nghiệp thì ta phải tri ân, báo đáp. Với quan niệm rộng về việc dạy và việc học như trên thì những cá nhân khác nhau truyền cảm hứng và định hướng thôi cũng đã được xem là những người thầy trong cuộc đời. Thực tế thì ngay cả bậc thầy nổi tiếng là nghệ sĩ tự học như Vincent van Gogh cũng có riêng cho mình một “người thầy không chính thức”, là mẹ của ông, người đã chia sẻ tình yêu thiên nhiên, vẽ và màu nước với con trai mình trong suốt quãng thời gian tuổi thơ, và điều này đã hình thành nên sự yêu thích cảnh vật thiên nhiên – chủ đề xuất hiện trong hầu hết tác phẩm của ông.

Những bậc thầy nổi tiếng nhất là những nhà đổi mới không mệt mỏi, phát triển hoặc nâng cao các kỹ thuật mới, các yếu tố phong cách và chủ đề. Điều này tạo nên phong trào nghệ thuật hiện đại trong thế kỷ 20 khi những nghệ sĩ nổi tiếng luôn đề cao việc biến đổi, cấu hình lại, và cải tiến các kiệt tác cũ. Họ học về phong cách, cách diễn giải từ những người đi trước và từ đó, nâng cao hơn trình độ và cao cấp hơn là phá vỡ quy tắc cũ để tạo ra phong cách cho riêng mình. Điều  này càng chứng tỏ, nghệ sĩ không phải tự nhiên mà có, mà đó là cả quá trình tu luyện, học tập, và để trở thành một nghệ sĩ đại tài, tạo dấu ấn riêng, thì việc học tập trau dồi bằng bất cứ hình thức nào lại càng quan trọng.

Tìm hiểu quy tắc như một người chuyên nghiệp và bạn có thể phá vỡ chúng như một nghệ sĩ”  – Pablo Picass

Paul Cézanne – nghệ sĩ người Pháp theo trường phái Hậu ấn tượng, người đã đặt nền móng cho sự chuyển đổi giữa trường phái ấn tượng thế kỷ 19 tới trường phái lập thể thế kỷ 20 – luôn bày tỏ những sự tôn kính sâu sắc đối với một số nghệ sĩ ở bảo tàng Louvre, thường xuyên hướng về đây để tìm nguồn cảm hứng và sự hướng dẫn, ngay cả khi ông đã thành công. Picasso đã dành rất nhiều thời gian để làm lại những tác phẩm của Cranach, Velázquez, Delacroix, Manet và Degas. Người nghệ sĩ Tây Ban Nha vĩ đại ấy đã thổ lộ với nhiếp ảnh gia Brassa rằng lúc nào ông cũng công nhận chỉ riêng Paul Cézanne là “bậc thầy duy nhất và độc nhất”. Mặc dù Picasso đã không bao giờ tìm gặp hay trao đổi thư từ với Cézanne, Picasso đã nói rằng “Paul Cezanne chính là cha của chúng tôi”. Việc Cézanne cấu tạo lại hình ảnh thiên nhiên theo một hệ thống các hình thức cơ bản là thứ đã đưa Picasso đến với việc thử nghiệm các kỹ thuật của Cézanne cùng với nghệ sĩ đồng nghiệp Georges Braque, cuối cùng dẫn đến việc phát minh ra Chủ nghĩa Lập thể vào năm 1909. Suốt quá trình phát triển phong cách của mình trong bảy thập kỷ tiếp theo, Picasso tiếp tục vay mượn và diễn giải lại nghệ thuật của Cézanne.

Bức tranh núi Sante Victoire của Cezanne (1904-1906). Nhiều nhà viết tiểu sử Picasso nhận định vào những năm tháng cuối đời, Picasso đã tậu lâu đài Vauvenargues dưới chân núi Sainte-Victoire. Picasso đã nói đùa rằng ông vừa mua “núi Sainte-Victoire”, không phải là một trong vài trăm bức tranh Cézanne lấy đỉnh núi này làm chủ đề mà là “bản gốc”!

Kể từ lúc loài người hình thành, nghệ thuật bắt đầu song hành cùng đời sống của nhân loại, ngày càng phát triền mở rộng cho đến tận bây giờ. Chung quy lại, bản thân con người cũng học tập nhau để phát triển khả nằng sáng tạo nghệ thuật, giống như cách mà Cézanne học tập các bậc thầy và rồi Picasso lại tiếp nối câu chuyện tận dụng và phát huy.

S&S Art: Ngôi nhà của cảm xúc từ những nghệ sĩ tự học

S&S Art chính là “ngôi nhà của nguồn cảm hứng” đến từ những nghệ sĩ tự học như Hom Nguyen. Trước khi tạo nên bước ngoặc cuộc đời, trở thành họa sĩ ở độ tuổi 40, anh đã từng là nghệ sĩ nhuộm giày Patina. Tích cóp số tiền mình có được từ những công việc vặt vãnh, Hom Nguyen đã tới Tokyo để học hỏi từ những bậc thầy về hình xăm ở Shibuya, quan sát thế giới và phát triển kỹ thuật của riêng mình. Khi quay về Pháp, Hom Nguyen vận dụng những kiến thức đó và tập trung vào kỹ thuật patina (kĩ thuật làm màu trên da giày), màu sắc và chất liệu. Và con đường trở về thế giới nghệ thuật của Hom bắt đầu từ đây. Lòng yêu nghệ thuật đôi khi chỉ cần những trạng thái cảm xúc và kiến thức nhất định để cảm nhận và giao tiếp với tác phẩm, nhưng còn sống với nghệ thuật thì luôn luôn cần nhiều trạng thái cảm xúc, sự dũng cảm kiên định và nhiều kiến thức làm nền tảng cho sáng tạo, và hơn hết, sự bền bỉ và luyện tập và tự học không ngừng. Và Hom Nguyen chính là một cá thể định nghĩa cho sự sống hết mình vì nghệ thuật.

Với những người bình thường, việc dấn thân và gắn bó lâu dài với con đường nghệ thuật không nhiều, huống gì đối với một người dân nghèo khó trên đất Pháp và thậm chí còn tạo nên tên tuổi quốc tế, khiên bao người khâm phục. Ngay từ câu chuyện tự học của Hom Nguyen đã là một con đường không tưởng, để đến bây giờ nhìn lại chặng đường sự nghiệp tự tạo nên dấu ấn đặc trưng trong nghệ thuật chân dung, lại càng khiến chúng ta cảm thấy khả năng của con người là vô tận.


Cyril Kongo Vietnam Gallery

Số 9 Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Hotline: (+84) 24 32045650

Giờ mở cửa: 10:00 am – 7:00 pm từ Thứ Hai – Chủ Nhật

Đặt lịch hẹn trải nghiệm Cyril Kongo Vietnam Gallery tại: https://fb.com/book/cyrilkongovietnamgallery/

𝐒&𝐒 𝐀𝐫𝐭 𝐆𝐚𝐥𝐥𝐞𝐫𝐲

Union Square Shopping Centre – 171 Đồng Khởi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Hotline: (+84) 84 3388855Đặt lịch hẹn trải nghiệm S&S Art Gallery tại: https://fb.com/book/ssart.vietnam/

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer