Tin tức
Tin tức
Trọn vẹn ba ly “cocktail” văn hoá do Cyril Kongo Gallery và các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện
09/07/2021

Gây hào hứng với câu “Áo nịt ỡm ờ, quần chờ một phút” của tác phẩm trào phúng Số đỏ lên cùng kèn tây và DJ, rồi lại miên man trong thế giới của thính giác và thị giác làm mới cái nhìn về đàn tranh và cuối cùng bùng nổ trong “Xuý Vân dở dại” với những tạo hình dòng chảy truyền thống và đương đại xen kẽ. Trùm tác phẩm là món ăn tinh thần thú vị mà các nghệ sĩ chuẩn bị hết sức tâm huyết trước khi trình làng khán giả.

“Đương đại” và “truyền thống”, hai khái niệm tưởng chừng đối lập nhưng trên thực tế không hề phủ nhận nhau mà luôn đồng hành và có sự tương tác, đặc biệt trong văn hoá nghệ thuật. Nhìn lại thập niên 30s, 40s, chính nhờ những thế hệ nghệ sĩ tiên phong của Việt Nam đã nỗ lực kết hợp tinh túy của truyền thống và ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại của phương Tây, nên đã mở con đường mới cho sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam, lấy văn hoá bản địa làm nòng cốt để tạo nên cái mới. Đã đi nhiều nơi, xem nhiều thứ và hồi hương khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp quốc tế, hoạ sĩ Cyril Kongo cho rằng: “Sẽ thật buồn nếu đi đâu cũng thấy những con phố, nhà hàng, quán xá giống nhau. Tôi là một công dân toàn cầu, nhưng ở Việt Nam, tôi mong muốn tìm kiếm những giá trị bản sắc thuần Việt”.

Màn trình diễn đầu tiên trong dự án "Âm - Thanh Sắc - Màu" – với màn trình diễn của nghệ sĩ Hoành Phạm và DJ Jin, ra mắt công chúng Việt Nam vào tối ngày 29/6. Tân Thời lấy cảm hứng từ ""Số đỏ"" – tiểu thuyết trào phúng nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng, và “sample” lời thoại từ bộ phim chuyển thể được công chiếu năm 1990 (đạo diễn Hà Văn Trọng và Lộng Chương). “Số Đỏ” đề cập đến thói xấu của xã hội tư sản thành thị Việt Nam với lối “sống ảo”, chạy theo cái văn minh lố lăng, đả kích các phong trào "" u hóa"" đang phát triển rầm rộ khi ấy, nhân danh ""văn minh"", ""tiến bộ""... mà quên đi nền nếp đạo đức truyền thống.

Chúng ta sẽ gặp lại nhân vật Xuân tóc đỏ (nghệ sĩ Trần Quốc Trọng) - nhân vật từng làm đảo điên khắp Hà thành, ông TYPN (NSND Trần Tiến) hay Vợ ông Văn Minh (NSND Như Quỳnh) trong chuyến du hành thời gian về với thời cuộc "" u hóa"", được kể lại bằng nhạc điện tử, scratching DJ kết hợp cùng tiếng kèn trumpet (thể loại “standard jazz”) giàu âm hưởng thập niên 1930s. Tân Thời cho chúng ta nhìn lại và lắng nghe sự biến hóa của ngôn ngữ Tiếng Việt, tiêu biểu là câu thoại “Áo nịt ỡm ờ, quần chờ một phút” – những lời diễu cợt hài hước trong thời kỳ canh tân mà chỉ Tiếng Việt mới có thể truyền tải được.

"𝐌𝐨𝐧𝐠 𝐌𝐚𝐧𝐡" là sáng tạo đưa nhạc cụ dân gian, bộ gõ truyền thống của Việt Nam xích gần với thị hiếu của thế hệ trẻ hơn qua thể nghiệm kết hợp giữa “Hip hop” và “Ambient”. “Ambient” là một nhánh của nhạc điện tử, tập trung vào không gian và “hình ảnh” mà bài nhạc tạo nên trong đôi tai người nghe, kích thích tưởng tượng về thị giác trong thính giác.

Những hợp âm êm ái, bồng bềnh của đàn tranh đưa người nghe trở về không gian kí ức của Việt Nam xưa, để rồi vỡ òa cảm xúc và năng lượng khi đối thoại với nhạc điện tử và Hip hop – văn hóa đang đi sâu vào đời sống tinh thần của thế hệ trẻ đương thời. "Mong Manh" là phép ẩn dụ về trạng thái của những kí ức trong quá khứ và sự tiếp nối của nó trong hiện tại.

Trong tác phẩm Mong Manh, khán giả gặp lại nghệ sĩ đàn tranh Hoài Anh – một gương mặt không còn xa lạ với những người yêu nghệ thuật Việt Nam. Hoài Anh là nghệ sĩ nhạc thể nghiệm được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống âm nhạc. Cô được đào tạo sâu rộng về các nhạc cụ dân gian như đàn tranh, đàn bầu, đàn T’rưng ở Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội; dương cầm và hạc cầm tại Học viện Âm nhạc quốc gia thành phố Bordeaux; nhạc acoustic điện tử tại Học viện âm nhạc George Bizet tại Paris. Dưới sự dẫn dắt và chỉ bảo của nhà nghiên cứu văn hóa, cố giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê, Hoài Anh đã đạt được bằng thạc sĩ Dân tộc nhạc học, chuyên ngành sân khấu chèo tại Đại học Sorbonne Paris năm 2009. Kể từ đó, Hoài Anh trở về Việt Nam, hoạt động song ngành giữa báo chí và nghệ thuật và đã từng biểu diễn các tác phẩm thể nghiệm, đương đại mang âm hưởng truyền thống ở Việt Nam và quốc tế. Hiện tại, Hoài Anh là phóng viên chuyên mục âm nhạc của Đài tiếng nói Việt Nam.

"𝐒𝐨́𝐧𝐠 𝐍𝐠𝐚̂̀𝐦 𝐒𝐨̂𝐧𝐠 𝐇𝐨̂̀𝐧𝐠" là sáng tác giàu tinh thần trào tiếu dân gian, với chất liệu chính đến từ nghệ thuật Chèo. Cái tên "Sóng Ngầm Sông Hồng" ẩn dụng cho những làn sóng sáng tạo mạnh mẽ, nơi những kết nối với quá khứ âm thầm trỗi dậy đang ẩn dưới một Hà Nội bình lặng. Trong đó có một chút Jazz, một chút Hip hop cùng cách chơi “scratching”, “sample” tiếng cười đùa của nhân vật Hề chèo (Nghệ sĩ Ngọc Minh - Nhà hát chèo Việt Nam) trong vở chèo "Xúy Vân giả dại", hòa cùng lối chơi đàn tranh thể nghiệm giàu bản sắc Việt Nam. Nghệ thuật Chèo thường gắn với một tích truyện cụ thể, nơi tính cách nhân vật bộc lộ qua cách hát kết hợp với cử chỉ, điệu bộ. Trong những giai điệu đó, những bước nhảy Hip hop có không gian để đối thoại với múa Chèo – loại hình nghệ thuật dân gian lâu đời bậc nhất của Việt Nam.

Chúng ta sẽ được thấy những động tác đặc trưng của vai "Đào Lệch" giàu cá tính mà điển hình là nhân vật Thị Mầu trong vở chèo cổ "Quan Âm Thị Kính", là tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn tới nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại. Trong "Sóng Ngầm Sông Hồng", các nghệ sĩ sẽ đưa không khí hội hè sống động của sân đình, tính ước lệ sân khấu phương Đông tới phòng tranh Cyril Kongo tràn ngập hơi thở đường phố đương đại.

Lại Sao Mai, được biết đến với nghệ danh “Mai Tinh Vi” là vũ công xuất sắc tại Việt Nam trong nhiều kĩ thuật nhảy Hiphop khác nhau như: Waacking, Soul dance, Hip Hop, House. Trong suốt hơn 15 năm theo đuổi Hiphop, “Mai Tinh Vi” đã chiến thắng gần 30 giải đấu quy mô trong cả Việt Nam lẫn quốc tế. Gần đây nhất, Mai đã vượt qua rất nhiều vũ công đến từ Trung Quốc, Đức, Cộng hòa Séc, Malaysia, Singapore để lên ngôi vô địch Hip hop tại giải Urban Jam 2019 do sở du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức. Mai Tinh Vi hiện tại là giám khảo chuyên môn, đa thể loại tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Cô cũng bắt đầu thử nghiệm với các lĩnh vực mới như múa đương đại, tiêu biểu có vở “Yes yes, No no” biên đạo bởi Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly.

Chất liệu nghệ thuật của "Âm - Thanh Sắc - Màu” đã được tích lũy nhiều năm trong hành trình tìm hiểu di sản văn hóa, nghệ thuật dân gian và truyền thống Việt Nam của giám đốc sáng tạo Nguyễn Quốc Hoàng Anh. Ý tưởng nguyên bản của dự án được hình thành qua những buổi đối thoại trực tuyến với Cyril Kongo, khi ông chia sẻ rằng quá trình sáng tạo tác phẩm mới của ông giống như nhạc thể nghiệm: vừa đòi kỹ thuật chính xác, nhưng cũng mang nhiều tính ngẫu hứng trong cách thể hiện, giống như cách ông biến hóa màu sắc và chữ cái trên bất kì bề mặt nào. Cách mà Giám đốc sáng tạo Hoàng Anh đi tìm phương thức kết hợp giữa các chất liệu nghệ thuật khác nhau cũng hoàn toàn tương đồng với quá trình sáng tạo graffiti của Kongo trên những chất liệu và phông văn hóa khác nhau.

Hoạ sĩ Cyril Kongo rất cảm ơn tấm thịnh tình của các nghệ sĩ địa phương khi muốn kết hợp các yếu tố của Hip Hop, street art, contemporary art trong dự án này đã nghĩ tới tranh của anh. Như Kongo có chia sẻ trong trailer của dự án, các nghệ sĩ đã học hỏi lẫn nhau trong dịp làm việc chung này. Họ đem thêm nhiều cảm nhận văn hoá Việt Nam một cách thuần khiết nhất chia sẻ với một người con xa xứ như Kongo, và hoạ sĩ với những trải nghiệm đi nhiều nơi, lớn lên từ nhiều nền văn hoá, hoạt động ở những kinh đô nghệ thăng hoa. Khi các màn trình diễn lên khung và chuẩn bị bấm máy, gallery đã đóng cửa và các cộng sự của Cyril Kongo ở Việt Nam đã làm việc cùng các nghệ sĩ địa phương. Kongo được gửi video các hoạt động của cả nhóm vì khác nhau múi giờ, hoạ sĩ đã thốt lên rằng: “ước gì tôi được ở đó cùng các bạn, các bạn đang tạo ra nghệ thuật ngay giờ phút này”. Các tác phẩm được phát trên nền tảng mạng xã hội, đến với nhiều người xem một cách miễn phí và hi vọng truyền được cảm hứng sáng tạo đến nhiều nghệ sĩ trẻ khác nữa cùng tham gia sáng tác.

Hai tác phẩm chính được chọn làm visual trong dự án là Paris -Hanoi và bức tranh Trâu Tết – Kongo 2021, mang tâm tư của Kongo và văn hoá Việt. Xa quê khi còn rất nhỏ, kí ức của hoạ sĩ Cyril Kongo về quê hương chỉ còn ở dạng cảm nhận chung về mùi hương, không gian, hơn là những kỉ niệm cụ thể. Chạm vào thế giới của màu sắc và Graffiti từ đất nước Congo và sau này hoạt động sôi nổi tại Pháp, nghệ sĩ đã chọn nghệ danh Kongo cho mình, ghi nhận đất nước xinh đẹp, tuy còn nghèo khó nhưng rất yêu màu sắc và tinh thần sống lạc quan là nơi cho anh nhiều cảm nhận nghệ thuật nhất. Kongo rất tự hào về “root” này của mình. Sau này khi hoạt động nghệ thuật, Kongo từng đi và sống ở nhiều nơi chứ không chỉ Paris. Trong tranh của ông nhiều bức có thể bắt gặp hai biểu tượng vòng tròn đan xen, là niềm tự hào về những nền văn hoá ông đã được tiếp xúc, giúp góp phần tạo nên con người nghệ thuật của ông ngày nay.

Cũng chính vì thế, Kongo đề cao bản sắc trong văn hoá và khuyến khích nghệ sĩ trẻ Việt Nam lấy đó làm chất liệu để sáng tác, bởi hơn ai hết ông đang vận dùng các văn hoá mình lĩnh hội được trong các tác phẩm của mình. Về văn hoá Việt Nam thì Kongo mới hồi hương không lâu trước đại dịch, cùng vợ con thăm lại gia đình và đi du lịch từ Nam ra Bắc. Cũng từ chuyến đi này, nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ những người bạn mới quen, Kongo đã hội ngộ với mảnh ghép quan trọng trong đời ông. Giờ đây quê cha Việt Nam, quê mẹ Pháp, quê hương nghệ thuật Kongo và các nền văn hoá ông chu du qua giúp trải nghiệm tinh thần thêm đầy đủ. Trong loạt các tác phẩm ông gửi về trưng bày tại Gallery ở Hà Nội, có những tác phẩm ông đã cho thấy cảm nhận về quê hương vẫn còn man mác. Ví dụ như bức tranh Tết Kongo 2021 (đã thuộc về nhà sưu tầm) vẽ biểu tượng Trâu trên nền các câu chúc theo phong cách đường phố đậm chất Kongo, nhưng chủ đề, bố cục, màu sắc lại mang âm hưởng truyền thống tranh Tết và lá cờ hội Việt Nam. Hay bức Paris Hà Nội được hoạ sĩ thai nghén khi lần đầu hồi hương, và hoàn thiện gửi về Gallery sau này. Bức tranh có khổ nhỏ khác hẳn với phong cách đổ ra các bức tường lớn của Graffiti thường thấy, khổ tranh này Kongo được truyền cảm hứng khi thăm ngõ nhỏ, phố nhỏ và tranh cũng nhỏ của Hà Nội. Kí ức về quê hương được ông tái hiện một cách thành thực bằng một mảng màu xám, trên nền đó Hà Nội ở một đầu và Paris ở một đầu, con người nghệ thuật Kongo với rất nhiều màu sắc nở rộ ở trung tâm. Bức tranh phần nào là câu chuyện cuộc đời và hành trình của hoạ sĩ, viết bằng ngôn ngữ của anh, kết hợp với một phong cách hơi hướng tranh phố Hà Nội.

Tìm hiểu thêm thông tin và ghé thăm không gian trưng bày tại địa chỉ dưới đây:
Cyril Kongo Hanoi Gallery
Số 9 Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hotline: (+84) 24 32045650
Giờ mở cửa : 10:00 am - 7:00 pm từ Thứ Hai - Chủ Nhật
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer