Tin tức
Chuyên sâu
RM 50-03 Tourbillon Split-Seconds Chronograph McLaren: Sinh ra từ công nghệ của tương lai và một sự hợp tác đầy năng lượng
12/08/2021

Graphene rất có thể chính là khám phá vật chất thú vị nhất trong vòng 50 năm qua. Loại vất chất mới này có tiềm năng đem đến cho những người mơ mộng, những nhà sáng chế hay nhà văn khoa học viễn tưởng một tương lai họ đã mong đợi kể từ khi phát minh ra điện, máy tính và phi thuyền không gian. Nói một cách đơn giản, Graphene là một siêu vật liệu không ngừng làm chính những nhà nghiên cứu nó bất ngờ vì những đặc tính đặc biệt và ứng dụng của nó.


Graphene là một dạng (trạng thái tồn tại vật lý) của Carbon – kết tinh từ một lớp mỏng các nguyên tử carbon xếp theo hình lưới lục giác. Đây là cấu trúc cơ bản của nhiều dạng Carbon khác, trong đó có than chì, than củi và thậm chí cả carbon nanotubes (loại chất liệu được yêu thích bởi chính Richard Mille).

Các đặc tính của Graphene đặc biệt và lạ lùng đến mức không tưởng: độ linh hoạt cao, độ dẻo dai cao, tính dẫn nhiệt và dẫn điện đều lớn. Nhưng những tính chất kể trên chỉ thể hiện được một phần rất nhỏ khả năng của Graphene- chất liệu này, ngoài ra, còn có tính chất đẩy từ lớn (đẩy các trường có từ tính), gần như trong suốt và có độ thẩm thấu nước tốt (cho phép nước bay hơi hiệu quả), nhưng không hề thẩm thấu các loại khí hay chất lỏng khác, kể cả loại khí nhẹ và có phân tử nhỏ nhất như helium.

Một tính chất không thể không kể đến của Graphene đó là độ cứng. Graphene là loại vật liệu cứng nhất từng được phát hiện và thử nghiệm. Về cơ bản, Graphene được phát hiện trên lý thuyết vào những năm 70s và được tách thành công vào năm 2004 (bằng cách sử dụng băng dính). Đây là một loại vật liệu có thể được ứng dụng trong tất cả các ngành công nghiệp theo một cách nào đó và hoàn toàn thay đổi định hướng của ngành khoa học nghiên cứu về vật chất. Nó có thể thay thế cho silicon trong một số trường hợp, hoặc được sử dụng để tăng cường độ cứng của composites, mở rộng hơn đáng kể ứng dụng của chất liệu này.

Quá trình tách Graphene

Một trong những lợi ích lớn nhất trong tương lai gần được mong muốn nhất là các giải pháp lưu trữ năng lượng theo lý thuyết là có thể với các hệ thống pin dựa trên Graphene. Các nhà nghiên cứu và các công ty đang chạy đua để ứng dụng một hoặc nhiều đặc tính độc đáo của nó vào thực tế. Bất kể graphene được hoặc có thể được sử dụng như thế nào trong tương lai, chất liệu này chắc chắn sẽ giúp đẩy nhanh kỷ nguyên tiến bộ công nghệ tiếp theo, và tất cả điều này có được chỉ nhờ vào một miếng băng dính.

Hai thương hiệu rất quen thuộc với công chúng, nhà đua xe công thức 1 McLaren và nhà làm đồng hồ Richard Mille, đã hợp tác để ứng dụng Graphene lần đầu tiên vào chế tạo những cỗ máy thời gian trên cổ tay, qua đó, họ cho ra mắt thành quả mang tên RM 50-03 Tourbillon Split Seconds Chronograph Ultralight McLaren F1.


RM 50-03 – Một di sản được làm mới

Nhưng trước khi tìm hiểu về chiếc đồng hồ tuyệt vời này, hãy cùng nhìn lại quá khứ để hiểu rõ tình bạn sâu sắc giữa Richard Mille và McLaren. Tất cả bắt đầu vào năm 1966 tại giải đua Grand Prix ở Monaco. Richard Mille tham dự cuộc đua với cha mình; đó là sự kiện Formula 1 đầu tiên mà ông đến xem. Trùng hợp thay, đây cũng là ngày Bruce McLaren ra mắt chiếc xe đua công thức 1 đầu tiên của ông, chiếc M2B. Năm 1981, mười một năm sau cái chết của McLaren, công ty mà ông thành lập vẫn còn phát triển mạnh mẽ và đã áp dụng một công nghệ lần đầu tiên có trên xe đua: khung xe chế tạo bằng sợi cacbon.

Nhiều năm sau, khi Mille tung ra nhãn hiệu của mình, ông tập trung vào các vật liệu bậc cao không điển hình như titan, ceramic hay composite giống như cách McLaren đã làm trong nhiều năm. Khi thương hiệu Richard Mille phát triển, Mille mở rộng tầm phủ sóng của mình vào thế giới ô tô và đua xe bằng cách hợp tác và tài trợ cho các tay đua và đội đua công thức 1, hay các giải Rally, Le Mans và Formula E. Chính ông đã giúp khởi động lại Chantilly Arts & Elegance, một cuộc thi xe đẹp được tổ chức tại Pháp từ những năm 1930.

Trong khoảng thời gian này, Richard Mille tiến gần hơn với giấc mơ về McLaren, khi mua lại chiếc xe nguyên bản M2B từ giải đua Monaco Grand Prix năm 1966. Thế nên một hợp đồng được kí kết 10 năm giữa hai thương hiệu là một điều không hề khó hiểu. Và để chính thức công bố sự hợp tác này, Richard Mille cho ra mắt một chiếc đồng hồ đầu tiên trên thế giới sử dụng Graph TPT, một loại composite siêu mỏng chế tạo từ Graphene tăng cường. Điều này nghe có vẻ chỉ như một điểm thú vị khác mà thương hiệu đồng hồ này thường làm được, nhưng chiếc RM 50-03 hoàn toàn chứng minh được vị trí của mình trong nấc thang cải tiến mang tên Richard Mille. 


Chiếc RM 50-03: Nhấn mạnh sự đổi mới về kỹ thuật

Khi ra mắt chiếc RM 50-03 tại SIHH 2017, Richard Mille không hề giới thiệu về bất cứ chiếc đồng hồ nào khác để hướng toàn bộ sự tập trung vào việc hãng đã phát triển Graph-TPT như thế nào và về những cải tiến về máy móc cùng cân nặng đáng kể trên bộ chuyển động Split Seconds Chronograph.

Cuộc nghiên cứu dành cho những cải tiến này chuyên sâu đến nỗi thông cáo báo chí đi kèm với một cuốn sách dài 67 trang chứa đầy hình ảnh và 22 trang thông tin. Đây là một ví dụ chưa từng có về sự ra mắt của những thành tựu kỹ thuật ẩn dấu bên dưới một chiếc đồng hồ, và dĩ nhiên nó phải đến từ những người như Richard Mille và McLaren.

Để truyền tải một cách toàn diện tất cả các nghiên cứu và nguyên tắc vật lý đã đi vào sự phát triển của Graphene, hoặc những nỗ lực để tích hợp nó vào Carbon TPT đúng là sẽ đòi hỏi nhiều thông tin đến vậy, đấy là còn chưa kể đến video những cuộc phỏng vấn với các nhà vật lý học đã thành công trong việc tách graphene đầu tiên. Tuy nhiên, hiểu được những điều tuyệt vời đằng sau RM 50-03 là một việc hoàn toàn khả thi và đáng làm. Tất cả bắt đầu bằng những đổi mới cụ thể đối với RM 50-03; bao gồm một tourbillon được làm từ Titan và TPT Carbon, một bộ vỏ chế tạo từ Graph-TPT đầu tiên trên thế giới, hệ thống chronograph kép được tối ưu hóa, một bộ chuyển động 7 gram siêu nhẹ, dây đeo đồng hồ đàn hồi được tích hợp graphene, và kỷ lục thế giới cho chiếc đồng hồ Tourbillon Split Seconds Chronograph nhẹ nhất.

Dự án được nghiên cứu tại đại học Manchester

Đứng đằng sau sự sáng tạo cho ra đời Graph TPT là McLaren Applied Technologies, Đại học Manchester, North Thin Ply Technology, và các kỹ sư tại Richard Mille. McLaren và McLaren-Honda F1 đang trong quá trình thử ứng dụng graphene vào khung xe đua công thức 1 đơn và chính qua những kết quả ban đầu cùng với những nghiên cứu sâu hơn với các đối tác, Richard Mille đã thành công trong việc thêm thành phần Graphene vào Carbon TPT. Phương thức này kết hợp những tấm Graphene siêu nhỏ vào lớp resin thường được dùng để kết dính các sợi carbon TPT. Kết quả có được là resin có độ đặc thấp hơn nhưng có lực liên kết chiều ngang cao hơn 50%. Điều này cũng đồng nghĩa với thực tế Graph TPT nhẹ hơn và cứng hơn Carbon TPT đơn thuần 50%.

Carbon TPT được làm từ hàng trăm lớp carbon mỏng (dưới 30 microns) xếp chồng lên nhau, mỗi lớp lệch nhau 45 độ và khi được tăng cường bằng graphene để cho ra Graph TPT, loại vật liệu này được đưa lên tầm cao tuyệt đối. Graph TPT được sử dụng ở mặt trên và mặt dưới của vỏ đồng hồ, còn phần thân giữa, Richard Mille vẫn sử dụng Carbon TPT. Tuy nhiên, phần vỏ không phải là nơi duy nhất ứng dụng Graphene, thành phần này còn được thêm vào dây đeo đồng hồ bằng cao su đàn hồi.

Làm việc với nhà cung cấp BIWI S.A., Richard Mille đã đẩy mạnh việc kết hợp graphene vào dây đeo, tăng tính đàn hồi cũng như khả năng chịu lực. Các dây đeo cũng rất nhẹ, góp phần đưa RM 50-03 vào lãnh địa của đồng hồ siêu nhẹ. Ngoài ra, việc sử dụng Carbon TPT trong các chi tiết của bộ chuyển động như cầu nối, đĩa đệm và thậm chí là trên tay đỡ bộ máy (thiết kế dựa trên hệ thống treo động cơ trong xe đua McLaren Honda F1) cũng góp phần hoàn thành mục tiêu giảm trọng lượng của chiếc RM 50-03.

Không chỉ giảm trọng lượng, bộ máy của RM 50-03 cũng chịu được lực va đập và rung chấn lớn hơn một phần chính nhờ cấu trúc treo, sự kết hợp của Carbon TPT vào bộ máy và thiết kế lộ bộ máy tối đa (khoét hổng các phần chi tiết máy bằng Titanium). Một vật có tỉ trọng lớn đồng nghĩa với nó việc tạo nhiều quán tính khi đổi hướng di chuyển và phải chịu rung chấn nhiều hơn cho nên các thiết kế khoét của bộ máy giúp giảm tỉ trọng và hạn chế những tác động có thể lên đồng hồ.

Với bộ chuyển động nhẹ tối đa (7 gram), chiếc RM 50-03 đã vượt qua vô số bài kiểm tra chống chọi mức chấn động 5000G, lớn hơn 50 lần so với mức con người có thể chịu đựng và sống sót. Cho một chiếc Tourbillon Spilt Seconds Chronograph, sự ổn định đó dường như không tưởng và tất cả những thành tựu này là nhờ vào sự kỹ lưỡng và ứng dụng của sáng tạo công nghê trong từng chi tiết nhỏ nhất.

Việc kết hợp bộ máy siêu nhẹ với bộ khung Graph TPT và dây đeo cũng có thành phần Graphene cho ra đời chiếc đồng hồ chỉ nặng 38 grams (nhẹ hơn một nửa bộ bài Tây) nhưng lại có chức năng Split Seconds Chronograph và năng lượng dự trữ lên tới 70 giờ (những thứ mà một bộ bài Tây không thể so sánh được).

Vậy mà, Richard Mille không chỉ dừng lại ở việc tạo ra chiếc đồng hồ nhẹ nhất, mà còn cải thiện đáng kể bộ máy. Hợp tác với nhà sản xuất bộ chuyển động phức tạp Audemars Piguet Renaud & Papi (APRP), bộ đếm giờ của RM 50-03 được thiết kế lại để tăng hiệu suất, giảm ma sát và giảm sai lệch thường đến từ nhiều yếu tố. Bánh răng column wheel (loại bánh răng có các cột trên một mặt bánh) được cải tiến, giảm lượng cột từ 8 xuống còn 6. Điều này giúp tăng hiệu quả phản ứng tức thời của bộ đếm giờ và giúp ổn định các hoạt động.

Cơ chế kẹp giữ kim cũng được thay đổi để các kim bấm giờ hoạt động hiệu quả hơn. Thêm vào đó, một cuộn dây dạng lưỡi dao được thay thế cho các kiểu dây cuộn lò xo hay cuộn xoắn thông thường trên bánh răng split seconds để giảm thiểu lực căng quá mức khi chức năng này được kích hoạt. Sự cải tiến này tăng độ chính xác và ổn định hơn cho chức năng thời gian chính của đồng hồ khi đang bấm giờ, một tính năng thiết yếu cho dòng chronograph cao cấp như chiếc RM 50-03.

Răng các bánh cót và bánh trung tâm cũng được tối ưu để giảm ma sát và tăng hiệu suất cho cả bộ máy. Tổng hoà của những thay đổi này giúp đảm bảo tính chính xác cùng một mức năng lượng dự trữ cao hơn cho đồng hồ và những cải tiến này đã được chứng minh hiệu quả trên phiên bản trước của dòng 50, chiếc RM 50-02 Airbus Corporate Jet.


Thiết kế nghệ thuật của RM 50-03

Các tính năng còn lại dường như là tiêu chuẩn sẵn có của Richard Mille: chốt crown hạn chế lên cót quá tay, hiển thị chế độ, năng lượng dự trữ và lực căng dây cót. Chiếc RM 50-03 chịu nước lên tới 50m và mặc dù kích thước khá to, chiếc đồng hồ nằm thoải mái trên cổ tay người đeo nhờ vào độ nhẹ của nó.

Khi so sánh với các mẫu ra đời trước đó hoặc trong thời gian gần đây, chiếc RM 50-03 về kiểu dáng và thiết kế trực quan nhìn “nhẹ nhàng” hơn. Vỏ đồng hồ có màu đen cùng một số chi tiết màu cam, đỏ. Mặt số và các kim đồng hồ cũng có nhiều màu nhưng không quá sặc sỡ. Biển tên McLaren nằm trên góc dưới mặt trước của đồng hồ. Chiếc RM 50-03 cũng đi cùng dây co giãn màu cam và người đeo cũng có thể lựa chọn phương án dây cao su màu đen.

Lượng lớn Carbon TPT trong bộ chuyển động giúp giữ cho bộ máy không quá phô trương. Mặc dù mặt số lộ cơ có nhiều chi tiết, nhưng không hề khó đọc. Chiếc RM 50-03 rõ ràng được làm ra để khám phá và tôn vinh một thử nghiệm vật liệu mới. Công sức vào thời gian được thể hiện trong từng phần của chiếc đồng hồ này và không có cách nào chiếc RM 50-03 có thể được làm tốt hơn. Một số người có thể cho rằng, không sử dụng Tourbillon trong cụ thể chiếc này có thể thậm chí giảm trọng lương hơn nữa, nhưng thế giới của Richard Mille xoay quanh và không thể thiếu Tourbillon.

RM 50-03 không chỉ là một chiếc đồng hồ, nó là “thiên tình sử” của sự sáng tạo và khéo léo. Đây cũng là dấu mốc lớn khởi đầu cho một mối quan hệ hứa hẹn đầy kết quả giữa hai thương hiệu Richard Mille và McLaren, đẩy xa hơn ranh giới của những điều có thể, và là tiền đề cho những bước đột phá tiếp theo làm thay đổi cuộc chơi một lần nữa.

Những gì được nhen nhóm 51 năm trước tại Monaco đã trở thành hiện thực tại Thuỵ Sỹ và Anh khi những con người đầy nhiệt huyết và đam mê theo đuổi sự hoàn hảo dưới mọi hình thức. Sự hợp tác giữa Richard Mille và McLaren mở ra một tương lai tươi sáng với những ẩn ý về việc cộng tác với dự án xe của GT. Và nếu như chiếc RM 50-03 là một minh chứng, chúng ta sẽ còn nhìn thấy nhiều những cái “đầu tiên” từ cặp đôi thương hiệu này.

Điều duy nhất còn lại là mơ về những khoảnh khắc với chiếc RM 50-03 Tourbillon Split Seconds Chronograph Ultralight McLaren F1 phiên bản hạn chế này. Với mức giá khoảng một triệu đô và thực tế là chỉ có 75 chiếc được sản xuất, có vẻ như tâm trí sẽ là nơi duy nhất đáp ứng ước mơ của nhiều người với cỗ máy kì diệu này.


Richard Mille Boutique
Sofitel Metropole Hotel, 56 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (0084) 24 3266 9356

___

Các tin bài khác: 

Đi sâu vào trái tim của RM 71-01 – Cỗ máy Tourbillon Automatic đầu tiên của Richard Mille

Richard Mille trở thành đối tác của Frieze Masters – triển lãm nghệ thuật hàng đầu thế giới

Richard Mille và đam mê chinh phục đại dương với RM 60-01 Regatta Flyback Chronograph

Yuliya Levchenko – Nhà vô địch tài sắc vẹn toàn của Richard Mille

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer